Lịch sử cung Diên Thọ Cung Diên Thọ

Cung điện của Hoàng thái hậu triều Nguyễn (1804 - 1945)

Năm 1788, bà Nguyễn Thị Hoàn, mẹ vua Gia Long, chuyển từ đảo Phú Quốc về sống tại thành Bát Quái, sau khi con trai bà đánh chiếm lại Sài Gòn nhằm tập hợp và phát triển lực lượng chống Tây Sơn. Hậu Điện, một tòa nhà phía bắc Hoàng cung của Nguyễn chúa Phúc Ánh trong kinh thành Gia Định, dựng vào mùa xuân năm 1790 [1] là chỗ ở của bà.

Năm 1802, vua Gia Long sáng lập nhà Nguyễn, lấy đô thành Phú Xuân của Đàng Trong thời các chúa Nguyễn làm thủ đô của nước Việt Nam thống nhất dưới triều Nguyễn. Gia đình hoàng tộc nhanh chóng chuyển về sống tại Hoàng thành Phú Xuân và cho khởi tạo một loạt công trình kiến trúc để làm nơi ở, nhằm tỏ rõ uy quyền và đặc quyền của hoàng gia. Trong bối cảnh ấy, tháng 4 năm 1804, vua Gia Long hạ lệnh xây dựng cung Trường Thọ, thay thế cho Hậu Điện để trở thành cung điện cho vị Vương thái hậu (đến năm 1806 là Hoàng thái hậu) đầu tiên của triều Nguyễn[2]. Sau 7 tháng thi công, cuối mùa đông năm ấy, công trình hoàn thành. Ngày 20 tháng 11 năm 1804, nhà vua thân hành đưa bà chính thức vào ở cung Trường Thọ. Năm 1811, bà mất, được truy phong làm Hưng Tổ Hiếu Khang Hoàng hậu. Sau sự ra đi này, cung Trường Thọ bị triệt giải, gỗ dùng để xây dựng điện Thanh Hòa, là nơi ở của vua Minh Mạng khi ông được phong làm Hoàng Thái tử năm 1816[3].

Năm 1820, vua Minh Mạng lên nối ngôi sau cái chết của vua cha. Ông vua này là người đã cho quy hoạch lại và kiến thiết, xây dựng mới rất nhiều công trình cung điện trong Đại Nội, tạo nên căn bản bộ mặt Đại Nội còn tồn tại đến ngày nay. Sau khi Minh Mạng lên ngôi, thân mẫu của vua là bà Thuận Thiên Cao Hoàng hậu được tôn phong làm Hoàng Thái hậu. Đồng thời, trên khuôn viên cung Trường Thọ cũ, vua cho đại tu xây dựng cung điện mới, đặt tên là cung Từ Thọ để làm chỗ ở cho bà. Khi ấy, ở Huế đang có dịch bệnh rất lớn, nhà vua nói với người quản giám công việc là Trần Văn Năng rằng "Nay bệnh dịch lưu hành, đáng để cho quân dân nghỉ ngơi, đình bãi các công tác. Duy dựng cung Từ Thọ là việc không thể hoãn được. Ngươi nên hiểu dụ cho quân nhân biết ý bất đắc dĩ của trẫm[4]". Khởi công ngày 24 tháng 8, khánh thành vào mùa đông cùng năm[1], cung Từ Thọ được thiết kế với Diên Thọ chính điện làm trung tâm, quay mặt về phía đông; khu vực Trường Du tạ thời đó là một hoa viên duyên dáng phục vụ cho việc tiêu dao giải trí của chủ nhân di tích[5]. Ngoài ra, ở khu vực sân trước của Diên Thọ chính điện hiện thời, đời Minh Mạng tồn tại một công trình lớn mà nền móng di tích này chỉ được phát lộ nhờ cuộc khai quật cung Diên Thọ vào năm 1999[6].

Bà Hoàng thái hậu Từ Dụ, mẹ vua Tự Đức

Năm 1846, bà Thuận Thiên Hoàng hậu qua đời, ít lâu sau, cung Từ Thọ được chuyển giao cho vị chủ nhân mới, bà Từ Dụ Hoàng Thái hậu, mẹ vị tân Hoàng đế Tự Đức vừa kế vị vào năm 1847. Ngày 4 tháng 9 năm 1848, Hoàng đế hạ lệnh triệt giải kết cấu cung Từ Thọ để xây cung điện mới với kết cấu hoàn toàn khác[7]. Lời dụ nói rằng:

"Từ trước đế vương hiếu thờ cha mẹ, trong có phòng nghỉ, ngoài có cung triều, lễ rất tôn nghiêm, phép rất lớn lao. Trẫm lấy thân nhỏ mọn, được nối nghiệp lớn, thực là nghĩ đức tính hiếu từ, phép dạy phải nghĩa của Thánh mẫu nên đến được như thế. Cung đình Trường Lạc, phụng thừa vui vẻ muôn năm; khánh điển nhà vua, sự thể rất là long trọng. Hôm trước cử viên Thái sử lệnh hỏi xin đến tháng giêng sang năm được ngày tốt nên sửa chữa lại Tây cung, đã từng ra lệnh cho người giữ việc kê tính công trình, để trù nghĩ trước cho được chỉnh đốn thư thả. Nay phái Phụ chính đại thần, Hiệp biện đại học sĩ lĩnh Lễ bộ Thượng thư, bị cách chức, lưu lại làm việc là Lâm Duy Nghĩa sung chức Đổng lý đại thần; thự Chưởng vệ quyền chưởng Hùng Nhuệ dinh ấn triện là Trần Kim sung chức phó Đổng lý để chuyên trách, phàm tất cả các việc sửa chữa chuẩn cho hội đồng xét kĩ trù tính, cần được một loạt hoàn hảo vững bền, mười phần chu đáo ổn thỏa cho vừa lòng trẫm. Về các đường vũ cũ nên dỡ xuống, cần dùng lính thợ bao nhiêu ? Chuẩn cho các viên Đổng lý ấy lựa tính, phải bắt cho đủ giúp việc dỡ xuống, đợi đến mùa xuân sang năm sắp đến kì khởi công sẽ phái 6 viên quản vệ, 40 viên suất đội, 2000 tên biền binh và các hạng thợ, chia nhau làm việc để cho công việc được chóng thành[8]".

Ngày 20 tháng 2 năm 1849, công trình xây dựng cung Gia Thọ được khởi công[9], tháng 4 năm ấy thì hoàn thành. Vua Tự Đức ban dụ rằng "Lần này dựng Tây cung để làm chỗ phụng thừa vui vẻ muôn năm, cung lan điện quế, phúc lộc bồi thêm; cửa ngọc thềm dao, nền nhân dựng mãi. Mong khi làm mới, hợp tình muôn người như con lại làm việc cho cha; tới lúc khánh thành, gặp tháng rất vui về tuổi thọ của trẫm[10]. Bờ cõi thái hòa, rõ bày muôn phúc; cung đình Trường Lạc, ghi tốt nghìn thu. Lòng trẫm vui vẻ xiết bao ! Nay kính dâng tên cung gọi là cung Gia Thọ, điện sau gọi là điện Thọ Ninh, nhà tạ bên tả điện gọi là tạ Trường Du, cửa chính trước cung gọi là cửa Thọ Chỉ, để tỏ ra điều hay hợp ứng, phúc thọ hậu thêm, Thánh mẫu ta mãi hưởng phúc tốt lành, chính mình ta được sự mừng vui[8]." Sau đó, ngày 7 tháng 5 năm 1849, bà Từ Dụ chính thức đến ở đây.

Khuôn viên cung Gia Thọ bao quanh bằng tường gạch, phía nam là cửa Thọ Chỉ (đối diện với cửa bắc điện Phụng Tiên), phía bắc là cửa Diễn Trạch (đối diện với cửa nam cung Trường Ninh, phía đông là cửa Thiện Khánh (đối diện với cửa Gia Tường của Tử Cấm thành), phía tây là cửa Địch Tường (đối diện với đài Tây khuyết của Hoàng thành)[11]. Diên Thọ chính điện vẫn là trung tâm của khuôn viên cung điện, nhưng quay mặt về hướng nam thay vì hướng đông. Hiên đông của điện, hơi lùi về phía bắc là nhà tạ Trường Du. Một hành lang vòng từ tạ Trường Du nối ra cửa Thiện Khánh qua cửa Gia Tường vắt ra sau điện Càn Thành. Trước hiên tây của điện đắp một quả núi, mang dáng dấp hoa viên[11]. Phía nam Chính điện là Tiền điện. Nền điện cao 8 tấc 1 phân (≈32,4 cm), xây theo kiểu nhà vuông, trên mái lợp ngói phẳng, sàn lắt gạch sắt, hai phía đông tây điện 3 bậc, bên đông điện có 2 hành lang dài nối với nhà chè (có lẽ là nhà Tả Trà), bên tây điện cũng có 1 hành lang dài nối với nhà chè[11]. Phía bắc Chính điện là sân sau, hai bên đông tây sân đều có hành lang. Phía tây hành lang bên tây sân là am Phước Thọ hay còn gọi là gác Khương Ninh. Phía bắc sân là điện Thọ Ninh hướng về phía nam, hai bên đông tây điện là nhà bếp và nhà kho[11].

Một góc cung Diên Thọ nhìn từ tạ Trường Du

Cuộc xâm lăng Việt Nam của Pháp trong khoảng 26 năm (1858 - 1884) đã biến triều Nguyễn từ một triều đại quân chủ độc lập thành chính quyền bù nhìn, lệ thuộc vào "mẫu quốc". Tuy vậy, những biến cố chính trị lớn lao ấy không ảnh hưởng nhiều lắm đến cuộc sống của những người đàn bà Đại Nội. Hoàng thái hậu Tự Dụ (về sau được tôn phong làm Nghi Thiên Chương Hoàng hậu) đã sống tại cung Diên Thọ trong suốt 53 năm (1849 - 1902), điều này dẫn đến việc triều đình phải cải tạo cung Trường Ninh cạnh đó để làm chỗ ở cho con dâu bà là Lệ Thiên Anh Hoàng hậu (vợ vua Tự Đức), hoặc cháu dâu bà như bà Từ Minh (vợ vua Dục Đức).

Năm 1901, vua Thành Thái đổi tên cung Gia Thọ làm cung Ninh Thọ, sau khi bà Nghi Thiên mất, nơi này thành cung của mẹ ông, bà Hoàng Thái hậu Từ Minh. Bà mất năm 1906, an táng trong khuôn viên lăng Dục Đức. Tháng 9 năm sau, vua Thành Thái bị phế truất, con ông là vua Duy Tân được đưa lên kế vị. Cung Diên Thọ có lẽ trở thành nơi ở của đích mẫu nhà vua là bà Nguyễn Gia Thị Anh, Hoàng Quý phi của vua cha Thành Thái. Năm 1916, vua Khải Định lên ngôi, cung Diên Thọ lại đổi chủ, thuộc về bà Thánh Cung, con gái Nguyễn Hữu Độ, Hoàng Quý phi vua Đồng Khánh. Trong hai năm đầu đời Khải Định (1916 - 1917), cung Ninh Thọ được sửa chữa lớn[12] và đổi tên thành cung Diên Thọ, trở thành tên chính thức của khu vực cung cho đến ngày nay. Hiện nay trong Diên Thọ chính điện còn tấm bảng vàng "Diên Thọ cung". Tuy nhiều lần sửa chữa, kiến trúc cung Diên Thọ về cơ bản vẫn giữ kết cấu xây dựng đời Tự Đức nhưng cũng có công trình bị phá đi hoặc xây mới. Chẳng hạn, năm 1927, lầu Tịnh Minh, tòa lầu hai tầng theo phong cách kiến trúc Pháp, được xây ở phía tây nam chính điện, đối xứng với nhà Tả Trà. Bà Thánh Cung (sau được tôn phong là Phụ Thiên Thuần hoàng hậu) mất năm 1935. Cung Diên Thọ thành chỗ ở của bà Tiên Cung (mẹ sinh vua Khải Định, sau được tôn phong là Hựu Thiên Thuần hoàng hậu) đến năm 1944 rồi bà Từ Cung (tức Đoan Huy hoàng thái hậu, thân mẫu vua Bảo Đại). Bà Từ Cung cũng là bà Hoàng Thái hậu cuối cùng của nhà Nguyễn được ở trong cung Diên Thọ. Như vậy, tổng cộng có 8 vị Hoàng Thái hậu, 4 vị Thái Hoàng Thái hậu nhà Nguyễn đã sống ở cung Diên Thọ[13].

Tháng 8 năm 1945, nhà Nguyễn chính thức cáo chung, báo hiệu một giai đoạn mới của quần thể di tích Cố đô Huế nói chung, cung Diên Thọ nói riêng.

Cung điện quy mô nhất còn tồn tại ở Huế

Sau khi vua Bảo Đại thoái vị, trở thành công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thân mẫu ông là bà Từ Cung không còn tư cách ở trong cung Diên Thọ, phải chuyển về sống tại cung An Định. Chiến tranh bùng nổ, Đại Nội không những là mục tiêu trong cuộc "tiêu thổ kháng chiến" của Việt Minh mà còn trở thành nơi giao tranh ác liệt trong chiến sự tháng 2 năm 1947. Ngày 8 tháng 3 năm 1949, hiệp ước Elysée được ký kết, Quốc gia Việt Nam trở thành quốc gia độc lập trong khối Liên hiệp Pháp, do Bảo Đại làm Quốc trưởng nhưng trong thời gian chờ đợi Tổng tuyển cử, ông tạm giữ danh hiệu Hoàng đế để có địa vị quốc tế hợp pháp. Do vậy, bà Từ Cung quay trở lại cung Diên Thọ[14]. Năm 1950, Quốc trưởng Bảo Đại về Huế thăm bà, lầu Tịnh Minh được cải tạo mở rộng hơn để làm nơi sinh hoạt tạm thời cho ông[15]. Năm 1955, Bảo Đại bị thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý miền Nam Việt Nam, Ngô Đình Diệm trở thành Quốc trưởng, thành lập Đệ Nhất Cộng hòa Việt Nam. Một lần nữa, bà Từ Cung phải rời khỏi cung Diên Thọ và không bao giờ còn quay trở lại nơi này nữa[14].

Trong hai cuộc chiến tranh, chiến tranh Đông Dương (1946 - 1954) và chiến tranh Việt Nam (1954 - 1975), quần thể di tích Cố đô Huế đã phải chịu thiệt hại rất nặng nề, nhiều công trình biến thành phế tích. Mặc dù, khuôn viên cung Diên Thọ hầu như còn nguyên vẹn nhưng nhà Tả Trà cũng bị tàn phá trong sự kiện Tết Mậu Thân năm 1968. Cộng với tác động từ thời gian và thiên tai, các công trình của cung có nguy cơ xuống cấp.

Sau khi được công nhận là di sản văn hóa thế giới, dự án trùng tu khuôn viên cung Diên Thọ bắt đầu thực hiện vào năm 1997 và đến nay đã cơ bản hoàn tất[16]. Năm 2005, lầu Tịnh Minh được trùng tu, làm Trung tâm lưu trữ và bảo tồn di tích của Huế. Năm 2011, điện Thọ Ninh được tu bổ theo mẫu kiến trúc của lần cải tạo năm 1930[17]. Dự án phục dựng nhà Tả Trà cũng được triển khai[18].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Cung Diên Thọ http://216.119.90.158/hue/default.asp?id=571&trang... http://www.covathue.com/cac%20bai%20viet/khuongnin... http://www.huexuavanay.com/vi/di-tich-hue/di-tich-... //tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?language=v... http://huda.com.vn/default.asp?type=portal&tab=det... http://tapchisonghuong.com.vn/modules/printview.ph... http://tapchisonghuong.com.vn/modules/printview.ph... http://www3.thuathienhue.gov.vn/GeographyBook/Defa... http://www3.thuathienhue.gov.vn/GeographyBook/Defa... http://thuvienhue.huecity.vn/portal/?GiaoDien=1&Ch...